NIỀM VUI, THÁCH THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM
NIỀM VUI, THÁCH THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA NGƯỜI VỢ TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
1. Làm vợ trong thời buổi kinh tế thị trường: nhiều thuận lợi song cũng lắm khó khăn. Kinh tế thị trường làm cho hoạt động xã hội sôi nổi, người vợ trẻ khỏi phải bận tâm với chuyện tem phiếu, xếp hàng. Có thêm nhiều thời gian để học tập nghỉ ngơi.
Biết bao hàng đẹp hấp dẫn, biết bao hoạt động văn hoá, văn nghệ vui vẻ nhộn nhịp mời chào. Người vợ trẻ phải biết hấp dẫn chồng và để bên ngoài tôn trọng bằng sự ăn mặc cho duyên dáng,đồng thời phải tăng cường hoạt động xã hội học tập cho khỏi lạc hậu, lạc điệu với dòng chảy chung.
Kinh tế thị trường như con dao hai lưỡi, một mặt kích thích sự sáng tạo và tạo ra những điều kiện thuận lợi lớn cho tổ chức cuộc sống gia đình, song mặt khác, nó lại có sự tàn phá không nhỏ nếu con người chuộng sự hưởng lạc và nô lệ trong tiêu thụ. Người vợ trẻ không có sự mẫn cảm và gìn giữ, phát triển nhân cách của mình và của chồng theo các gía trị truyền thống của dân tộc thì sẽ làm cho "Tiểu gia đình" rạn nứt đổ vỡ : hoặc là mình bị tấn công, hoặc là chồng bị tấn công. Biết thích nghi với cuộc sống thị trường song lại biết chủ động phòng vệ với mọi sự cám dỗ của xã hội tiêu thụ. Cho dù hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng phải cùng chồng bàn bạc thống nhất xây dựng "Tiểu gia đình " với các định hướng gía trị cơ bản như sau :
- Gia cảnh luôn thuận hoà
- Gia sản được phát đạt
- Gia cư hưởng trong lành
- Gia phong đạt nề nếp
- Gia pháp có kỷ cương
Nguy hiểm nhất cho những "Tiểu gia đình "mà chồng làm một đằng, vợ làm một nẻo, nằm cùng giường mà định hướng gía trị khác nhau.Người vợ trẻ để gia đình thành một quán trọ nhỏ, hai người góp gạo thổi cơm chung tệ hại hơn, có "Tiểu gia đình " cả ba bữa trong một ngày toàn đi ăn "cơm bụi".Vợ ăn theo hoàn cảnh công tác của vợ, chồng ăn theo chế độ công tác của chồng.Tôi nghĩ rằng : "Gia là cái nhà, đình là cái sân. Các trái tim dưới một mái nhà hãy cố gắng mỗi ngày tối thiểu một lần nổi lửa có bữa cơm chung để các trái tim hoà chung nhịp đập…".
2.Năm giai đoạn phát triển cuộc sống vợ chồng.
a) Giai đoạn đầu ( Năm năm đầu sau khi cưới )
Giai đoạn này đầy ắp ngọt ngào của kỳ trăng mật nhưng cũng đầy thách đố cho việc đi tìm sự hoà đồng về sở thích, về cá tính của nhau.
Người vợ trẻ biết cách nhường nhịn, không tranh khôn với chồng khi chồng hiếu thắng hoặc trót thô bạo, nên lựa lúc chồng vui mới nhẹ nhàng trao đổi lại.Như thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng viết :
" Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của tin yêu"
b) Giai đoạn tiếp theo ( Mười năm tiếp theo )
Đôi vợ chồng vượt qua thử thách của giai đoạn một, bắt đầu hình thành được tổ ấm giờ là lúc phát triển, vun đắp nó.Người vợ cần phấn đấu làm tốt chức năng "nội tướng","tề gia", tranh thủ cơ hội khác nhau tăng thêm thu nhập cho gia đình, vươn ra xã hội. Nếu có vị trí tốt hơn chồng vẫn tôn trọng, nghe lời chồng.Nếu chưa có cơ hội thì hãy yên tâm làm tốt thêm chức năng của mình, đừng sốt ruột mà thiếu chu đáo nuôi dạy con.
c) Giai đoạn ba ( Năm thứ 15 đến năm thứ 25 )
Qua giai đoạn trên, đôi vợ chồng đến lúc này bước vào giai đoạn củng cố phát huy thành quả gia đình đã đạt được.Đến giai đoạn này, cuộc sống gia đình có điều chưa ưng ý, người vợ cần nhẫn nại chờ đợi, tìm ra viễn cảnh cuộc sống vợ chồng, đừng làm cho tình cảm nhàm chán và chớ có phá phách nổi loạn, hoặc mất cảnh giác, cư xử không khéo để chống phá phách nổi loạn.
d)Giai đoạn thứ tư ( Năm thứ 26 đến năm thứ 30)
Nếu bình thường gia đình bước vào giai đoạn tổng kết con cái lúc này có thể đã đến tuổi cho đi ở riêng " vợ chồng đã đứng tuổi, sống với nhau tâm đầu ý hợp trong việc gây dựng cho một thế hệ mới mà cả hai đã tác thành"
e) Giai đoạn năm ( Giai đoạn từ năm thứ 31 trở đi )
Vượt qua 4 giai đoạn trên, lúc này vợ chồng bước vào " Giai đoạn mùa thu vàng". Họ sống trong tuổi lên lão, biết ơn lẫn nhau bằng sự săn sóc không ồn ào đầy ân nghĩa.
Như vậy chúng ta thấy đặc trưng của mỗi giai đoạn có thể tổng kết như sau :
Giai đoạn 1- giai đoạn vợ chồng trẻ biết đề phòng các cuộc cãi nhau vặt.
Giai đoạn 2 - giai đoạn vợ chồng tuổi trung niên, biết đề phòng sự ích kỷ.
Giai đoạn 3 - giai đoạn vợ đứng tuổi biết đề phòng sự nổi loạn phá phách.
Giai đoạn 4 - giai đoạn vợ chồng quá tuổi 50 biết đề phòng sự thờ ơ.
Giai đoạn 5 - giai đoạn vợ chồng sang tuổi 60 biết đề phòng sự trái tính, trái nết.
Trần Kim Anh - Ngày 22 /5 /2012
