Kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân Đối với dự thảo luật đất đai(sửa đổi)


 

Thực hiện kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND huyện Đông Triều V/v: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).

- Ngày 13/3 /2013 tổ chức lấy ý kiến tại nhà văn hóa của 6 thôn trong toàn xã.

- Hình thức tổ chức: Mở hội nghị lấy ý kiến trực tiếp ở 6 thôn.

- Đối tượng: Cấp uỷ chi bộ, các đồng chí Đảng viên trong chi bộ, Trưởng phó thôn, Trưởng phó các chi hội đoàn thể thôn cùng nhân dân trong thôn.

- Tổng số người tham gia  434 người.

Hội nghị, đã có trên 20 lượt ý kiến đóng góp, tập trung nhiều về vấn đề giao đất, thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Một số ý kiến cho rằng, khoản 2, Điều 56, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này mà loại đất sau khi chuyển mục đích phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì được sử dụng đất không phải xin phép người có thẩm quyền nhưng phải đăng ký với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Ý kiến bổ sung cho Điều 56, khoản 2 là cần phải trình Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định (đối với hộ gia đình cá nhân). Tại Điều 87 về bồi thường cây trồng, vật nuôi quy định “Mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây” là chưa hợp lý, nên căn cứ vào số lượng cây trồng và năm tuổi để tính giá trị.

Ở khoản 2, Điều 50 quy định “Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 50 còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, có ý kiến cho rằng nên bỏ đoạn “còn phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”, trong quá trình thực hiện nên căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.    

Ở khoản 4 điều 57 quy định “người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Điều này không được ủy quyền”, cần bỏ cụm từ “không được ủy quyền” vì chúng ta đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mọi thủ tục đều có thời hạn giải quyết cụ thể;   trường hợp lãnh đạo đi công tác thì sẽ có người được ủy quyền thay thế giải quyết theo quy trình. Nếu không cho phép ủy quyền thì công việc sẽ ùn tắc, không đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.   

 Một số ý kiến khác đề nghị Dự thảo Luật Đất đai cần có quy định rõ hơn về tiền thuê đất, công khai việc bán đấu giá đất và việc bán đấu giá phải được cơ quan, tổ chức có năng lực, thẩm quyền chịu trách nhiệm. Đa số ý kiến còn lại cho rằng, nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống thì sẽ giải quyết được tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài từ trước đến nay.   

Một số ý kiến khác đề nghị làm rõ hơn một số nội dung của bản dự thảo, tập trung vào một số nội dung như: Quy định về chính quyền địa phương; quyền và nghĩa vụ công dân; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm quyền, đơn giá bồi thường, cơ chế thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư; công tác thanh tra về đất đai.

         Đa số những người tham gia ý kiến là những cán bộ đang công tác, những đồng chí cán bộ đang nghỉ hưu trên địa bàn và các đồng chí đảng viên trong đảng bộ.

 

                                                                                           Nguyễn Thị Dung



Mới nhất